5 sai lầm khi chọn trường đại học mà ngay cả học sinh cũng không hề hay biết 01-04-2018

Qua thống kê các năm, dưới đây là 5 sai lầm phổ biến mà sĩ tử thường không nhận ra khi chọn ngành, chọn trường Đại học.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, dù rất có ý thức về việc lựa chọn trường Đại học thì các thí sinh vẫn dễ mắc sai lầm. Nguyên nhân có thể do không đủ hiểu biết về nghề nghiệp, hoặc quá kỳ vọng mà không tính đến năng lực bản thân.

Việc lựa chọn trường Đại học là nấc thang có thể nói quan trọng nhất vì nó quyết định một khởi đầu mới và đặt nền móng cho tương lai của một con người. Sai lầm khi lựa chọn trường Đại học sẽ dẫn đến hậu quả rất lớn, bởi chúng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, công việc của bạn sau này như thất nghiệp, không phát triển được nghề nghiệp, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức. Đây là 5 sai lầm phổ biến mà nhiều bạn trẻ đã mắc phải trong việc lựa chọn trường Đại học cũng như ngành nghề mình theo đuổi:

1. Không biết địch, không biết ta, trăm trận không thắng trận nào!

Không biết địch: Chọn ngành, chọn trường nhưng không tham khảo thông tin của các năm trước, không biết địch đông như quân Nguyên hay chỉ lèo tèo vài ba mạng (tỉ lệ chọi), không biết địch mạnh cái gì (môn có điểm trung bình cao nhất) cũng chả biết địch yếu cái gì (môn có điểm trung bình thấp nhất) thì làm sao biết rèn luyện như thế nào và lấy cái gì ra mà đánh nhau với người ta?

Không biết ta: Khi chọn ngành, chọn trường không đánh giá đúng năng lực bản thân, hậu quả: nếu tự đánh giá quá cao sẽ gặp quân địch quá mạnh -> tạch -> rút lui chiến thuật sang năm đánh lại. Còn nếu đánh giá quá thấp, sẽ gặp kế vườn không nhà trống, không tìm thấy đối thủ -> chiến thắng nhưng chiến lợi phẩm chẳng giá trị gì.

Ngoài ra, nhiều chiến sĩ chọn chiến trường đúng nhưng lại không phù hợp cho mình. Ví dụ, tôi giỏi khối B thì dại gì không thi ngành y, nhưng khi vào học lại phát giác không chịu được cảnh máu me, mùi bệnh viện nên đành bỏ học giữa chừng và làm lại từ đầu. Cô kia học giỏi môn văn đã chọn nghề làm phóng viên báo chí. Đúng là nghề này cần đến người viết văn hay, diễn đạt tư tưởng rành mạch. Song nếu không nhanh nhẹn, tháo vát, năng động, dám xông xáo, chịu đựng áp lực công việc cao... thì không thể theo đuổi nghề này được.

Tóm lại, hỡi các sĩ tử: Biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng!

2. Chết vì sĩ diện!

Nên nhớ, không có nghề nào là thấp hèn cả, chỉ có những kẻ hèn mà thôi.

Những năm qua có thể thấy nhiều ngành nghề có tên “công nghệ”,“quản trị”, những ngành nghề có chữ “quốc tế” thường có rất nhiều bạn học sinh đăng ký mà không cần hiểu nội dung, đặc điểm, yêu cầu của ngành nghề. Lý giải sự lựa chọn của mình, các bạn cho rằng những ngành đó thường “hot”, “thời thượng”, nói ra rất kêu và nâng cao sĩ diện bản thân.

Đặc biệt, đây còn là áp lực cho sinh khá giỏi và học sinh ở những trường chuyên lớp chọn khiến các bạn gặp những “sai lầm chết người” khi chọn cho mình con đường tương lai. Nhiều bạn học sinh trường chuyên chỉ chọn những trường lớn và danh tiếng để thi cho tương xứng với “đẳng cấp” của mình mà không quan tâm đến đam mê hay học lực của mình, không thi nổi nhưng vẫn cố đăng ký vì... “sĩ diện”.

3. Không biết xác định định hướng cho tương lại, lựa chọn theo sự áp đặt hoặc rủ rê của người khác

Học sinh ngày nay nhiều lúc quá khó để dám sống đúng với mong muốn bản thân vì xã hội có quá nhiều định kiến, áp lực từ trong nhà ra đến xã hội. Quan niệm con cái học trường xịn ngành hot sẽ làm cả nhà nở mày nở mặt. Đúng, có điều chỉ nở mày nở mặt khi nó đậu thôi. Mà nếu đậu thì nó sẽ như thế nào nếu không thật sự thích ngành đó? Bỏ học giữa chừng hay vẫn cố lãng phí thời gian và tiền bạc 4-6 năm để lấy cài bằng cho oai?

Mỗi người có một tính cách, năng lực, sở thích, năng khiếu, điều kiện, hoàn cảnh riêng. Nhưng khi chọn nghề lại phụ thuộc rất nhiều vào truyền thống (hay ý kiến) gia đình dẫn đến nhiều sai lầm. Bạn hãy nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi và đưa ra quyết định cho riêng bản thân mình, thay vì rập khuôn lại. Một số bạn cũng sai lầm khi chọn nghề theo sự rủ rê, theo chuẩn của nhóm, của bạn bè và của người yêu. Đôi khi vì tình cảm hay sự gắn bó từ phổ thông mà nhiều bạn cùng rủ nhau thi vào cùng ngành cùng trường. Sau này nhận thấy không phù hợp thì đã muộn rồi.

4. Thờ ơ với chính ngành nghề tương lai của chính mình

Rất nhiều học sinh hiện nay chọn nghề theo cảm tính tức là hiện tại bạn thích cái gì bạn sẽ chọn ngành nghề liên quan đến cái đó. Chẳng hạn bạn thích chơi Game và chọn ngành công nghệ thông tin; vì thích con gái xinh nên chọn ngành Tài Chính – Ngân Hàng; thích đi du lịch đó đây thì lựa chọn học khoa Du Lịch…

Thực tế là, sở thích luôn mang tính nhất thời và sẽ thay đổi theo thời gian, môi trường. Các bạn chỉ mới nhìn thấy bề nổi của ngành đó. Khi bước vào học tập các bạn sẽ học rất nhiều kiến thức của ngành đó, nó rất rộng và không thể chắc chắn sẽ phù hợp với khả năng của các bạn.

Hãy tìm hiểu kỹ về nghề nghiệp tương lại của chính mình, nếu có thể hãy gặp một vài người đang làm nghề mà mình chọn để biết môi trường làm việc, nội dung công việc, cơ hội phát triển, mức thu nhập, tương lai của nghề này trong xã hội,...

5. Thanh niên lỳ lợm nhất hệ mặt trời

Có nhiều bạn học sinh thi trượt nguyện vọng 1 cũng không đăng ký nguyện vọng 2 để học trường khác mà "phục kích" thi lại năm sau. Không chỉ 2 năm mà có những bạn thi lại ba đến bốn lần. Hiện tượng này không phải là cá biệt trong việc tuyển sinh đại học hiện nay. Có một số học sinh do sở thích hay muốn "nối nghiệp bố mẹ" nên rất kiên định với một ngành hoặc một trường đại học nào đó.

Kiên trì là một đức tính tốt, nhưng đôi khi cũng cần phải "linh động" khi mà mục tiêu quá khó so với khả năng. Nếu "lượng sức" không thể đạt được những mức điểm đó thì có thể dự thi vào các trường có điểm chuẩn thấp hơn.

Nhớ nhé, con nít mới hay lỳ lợm thôi :)
Chúc các sĩ tử cá chép hóa rồng!

 

Nên đọc: 5 lí do bạn nên “Đáp cánh” ở Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế

Có thể bạn quan tâm: Tại sao phải sợ thất nghiệp khi bạn là sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế?

Xem thêm: Thông tin tuyển sinh ĐH năm 2018

 


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Thống kê
Tổng số người đang online: 4
Tổng số lượt xem trang này: 38.890
Tổng số lượt truy cập: 13.569.175