6 thay đổi trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 mà học sinh phải biết! 16-04-2018
Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT so với Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ban hành ngày 25/1/2017. Dưới đây là một số thay đổi trong xét tuyển kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Sẽ không có điểm sàn đại học chung
Năm 2017, Bộ GD&ĐT quy định mức điểm sàn xét tuyển ĐH là 15,0 điểm, nhưng năm 2018 sẽ không có mức điểm sàn chung, nhưng các trường ĐH sẽ có quy định riêng. Bộ chỉ quy định điểm sàn cho các ngành sư phạm.
Thí sinh cần lưu ý tuy học sinh phải thi theo bài thi trong kỳ thi THPT quốc gia, nhưng khi xét tuyển hiện nay hầu hết các ngành tuyển sinh ở các trường xét tuyển theo tổ hợp 3 môn thi.
Từ 1 điểm trở xuống không được xét tốt nghiệp
Theo dự thảo lấy ý kiến về quy chế thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp THPT 2018 thì Bộ GD-ĐT sửa đổi, bổ sung quy định những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật hủy kết quả thi, tất cả các bài thi và các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp lấy điểm để xét công nhận tốt nghiệp đều đạt trên 1,0 điểm theo thang điểm 10 và có ĐXTN từ 5,0 điểm trở lên được công nhận tốt nghiệp THPT.
Hủy kết quả thi nếu vi phạm quy chế
Về xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi, thay vì tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi trong hai năm tiếp theo, dự thảo sửa đổi Khoản 6 Điều 49 thành quy định: “Huỷ kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật đối với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi: Giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; Để người khác thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức; Có hành động gây rối, phá hoại kỳ thi; hành hung cán bộ hoặc thí sinh khác; Sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp.
Bổ sung điều kiện dự thi đối với thí sinh tự do
Thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT ngoài quy định tại điểm a khoản 2 Điều này còn phải đảm bảo thêm một số điều kiện nữa, cụ thể là thí sinh tự do đã tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS). Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc nơi đăng ký dự thi một số môn học có điểm trung bình dưới 5,0 đảm bảo khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm đủ điều kiện về học lực.
Điểm lẻ bài thi tự luận được làm tròn đến 2 chữ số thập phân
Điều 25 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Bài thi được chấm theo thang điểm 10; điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân”. Như vậy môn thi tự luận duy nhất còn lại ở kỳ thi THPT quốc gia 2017 là Ngữ văn sẽ không quy định lấy đến 0,25 như quy chế trước đây. Sẽ không còn những trường hợp các mức điểm lẻ khác nhau đều quy về bằng nhau theo các mức 0; 0,25; 0,5; 0,75 như trước đây. Tức giả sử trong trường hợp thí sinh được 4,99 cũng không được quy tròn thành 5 điểm và sẽ khác biệt với thí sinh đạt 5,01.
Giảm điểm ưu tiên khu vực
Theo dự thảo, khung điểm ưu tiên theo khu vực có sự thay đổi. Nếu như quy định hiện hành áp dụng mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 thì năm 2018 dự kiến mức chênh lệch này chỉ còn 0,25 tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điểm 10. Như vậy, điểm cộng ưu tiên khu vực tối đa thí sinh được hưởng chỉ là 0,75 thay vì 1,5 như quy định hiện hành. Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp vẫn là 1 điểm.
Ngoài những quy định quen thuộc của các năm trước, mùa tuyển sinh 2018 sẽ có một sộ điều chỉnh, cải tiến. Đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 sẽ thêm kiến thức của lớp 11. Một vài cơ sở đào tạo xây dựng phương án tuyển thẳng dựa vào học bạ. Một số cơ sở đào tạo khác mở thêm ngành đào tạo mới. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang chuyển mình để thu hút người học.