Đào tạo theo định hướng chất lượng cao: Khó nhưng phải triển khai 03-10-2018

Trước áp lực phải nâng trần học phí để tự chủ tài chính, hướng đi của Trường đại học (ĐH) Ngoại ngữ, ĐH Huế tính đến là nâng cao chất lượng tất cả các ngành đào tạo theo hướng mới, mặc dù đây là giải pháp có thể gặp rủi ro.

 

Dự định năm nay, nhà trường sẽ xây dựng lại chương trình đào tạo theo định hướng CDIO - mô hình xây dựng chương trình tiên tiến của thế giới. Khi hoàn thiện, sẽ đồng loạt áp dụng, thay thế cho chương trình cũ.

 

 

Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế

 

Đã nghiên cứu kỹ

Không phải bây giờ, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế mới tính đến xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao (CLC) mà từ nhiều năm trước, khi Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội thành công với mô hình này và Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng cũng bắt đầu áp dụng đào tạo chương trình CLC với một số ngành thì giải pháp này đã được đặt lên “bàn cân”. Tuy nhiên, sau nhiều trăn trở, thảo luận, hướng đi này tạm gác lại do khó khả thi. Ông Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo ĐH, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế giải thích: “Đời sống kinh tế - xã hội ở Huế nói riêng, khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung còn khó khăn nên học phí cao là một trở ngại ảnh hưởng lớn đến người học. Ở Huế có cơ sở đào tạo ngành CLC nhưng tuyển sinh khó khăn. Đây là nỗi lo lớn, bởi khi mở ra nhưng tuyển sinh không được, sẽ ảnh hưởng nhiều mặt”.

Lộ trình tự chủ tài chính của Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế là năm 2020, trong khi học phí vẫn là nguồn thu chính của nhà trường, tạo ra nhiều áp lực phải nâng trần học phí. Điều này khiến nhà trường phải tính giải pháp khác cho chương trình đào tạo chương trình CLC.

Đại diện Phòng Đào tạo ĐH, Trường ĐH Ngoại ngữ cho biết, năm 2017, nhà trường đã nghiên cứu nhiều chương trình CLC ở các trường ĐH như: Kinh tế Đà Nẵng, Bách khoa Đà Nẵng, Ngoại ngữ Đà Nẵng, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội… Mỗi trường xây dựng chương trình CLC theo mô hình khác nhau, trong đó có trường đào tạo toàn bộ các ngành đều CLC, có trường chỉ xây dựng một vài ngành CLC hay có trường vừa tuyển sinh đại trà và CLC trong mỗi ngành. “Ban đầu nhà trường dự định chọn một số ngành có số lượng tuyển sinh nhiều để xây dựng chương trình CLC, sau khi tuyển sinh sẽ cho sinh viên đăng ký học theo chương trình CLC, bắt đầu từ năm học 2018 - 2019. Song, lộ trình của trường là năm 2020 tự chủ, tức là chỉ có 1 năm đào tạo theo chương trình CLC và thấy chưa hợp lý nên trường chuyển hướng đào tạo theo định hướng CLC toàn bộ các ngành đến 2020, tức là có 2 năm để chuẩn bị kỹ hơn”, ông Tiến nói.

Đại diện nhà trường giải thích, cái khó và gây ra thất bại cho những trường mở một số ngành CLC là khó chứng minh cho xã hội sự khác biệt về chất lượng đào tạo giữa đại trà và CLC. Trong tấm bằng ĐH chưa thể hiện được CLC trong khi quá trình đánh giá theo chương trình CLC khắt khe hơn, điểm của sinh viên học theo CLC có thể thấp hơn, gây bất lợi cho sinh viên trong tuyển dụng, vì thế mô hình đào tạo toàn bộ theo định hướng CLC sẽ khả thi hơn.

So với những mô hình hiện có, chương trình đào tạo theo định hướng CDIO đang cho thấy hiệu quả. Đặc điểm của mô hình này lúc xây dựng chương trình phải đi từ khảo sát nhu cầu xã hội, sau đó xây dựng mục tiêu đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra rồi mới xây dựng chương trình, tức là chương trình đào tạo được xây dựng dựa vào nhu cầu xã hội. Trong xu hướng hội nhập quốc tế, các chương trình đào tạo phải tiến tới đảm bảo vấn đề này. Việc xây dựng theo định hướng CDIO đáp ứng được tiêu chí đó và phù hợp nguyện vọng người học.

 

 

Trường ĐH Ngoại ngữ, một trong những đơn vị đang xây dựng chương trình đào tạo theo định hướng chất lượng cao

 

Xây dựng giải pháp cạnh tranh

Song song với việc xây dựng chương trình đào tạo theo định hướng CLC, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế cũng tính toán đến các giải pháp để cạnh tranh bởi khi áp dụng chương trình mới, học phí cao hơn sẽ là lý do thí sinh phải cân nhắc lựa chọn. Ông Tiến cho rằng, phải xác định mức học phí cạnh tranh được với các đơn vị đào tạo chương trình CLC trong khu vực. Ngoài ra, dù toàn bộ đào tạo theo định hướng CLC nhưng vẫn có ngành “hot” và ít “hot” nên sẽ dựa vào nhu cầu xã hội để tính toán mức học phí cho từng ngành một cách phù hợp.

TS. Bảo Khâm, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế khẳng định, quan điểm của trường là không gán mác CLC để thu học phí mà chất lượng phải tương ứng với học phí. Do đó, ngoài xây dựng các chương trình tốt, cũng sẽ đầu tư cơ sở vật chất như nhà học, bàn ghế chuẩn, hệ thống phòng học chuẩn, đồng thời xây dựng các dịch vụ hỗ trợ tốt nhất cho người học trong đó có hệ thống tư vấn hỗ trợ sinh viên.

Nhà trường đang liên hệ các đơn vị tuyển dụng để xây dựng hệ thống tuyển dụng tốt hơn nhằm chứng minh với xã hội. “Chúng tôi cũng đang làm việc với Sở Du lịch và một số đơn vị trong vấn đề hỗ trợ sinh viên thực hành nghề. Ngoài ra, cũng đang liên kết với các đơn vị nước ngoài để triển khai một số chương trình thực tập sinh để sinh viên vừa học vừa làm, có thu nhập trang trải chi phí học tập”, ông Tiến nói.

Theo lãnh đạo Trường ĐH Ngoại ngữ, trên toàn quốc, việc xây dựng chương trình đào tạo CLC có trường thành công, nhưng cũng có đơn vị thất bại. Đi sau rút được kinh nghiệm và nhà trường đang nghiên cứu để giảm thiểu thất bại trong tất cả các khâu. Khi xây dựng chương trình đào tạo theo định hướng CLC, sẽ thông qua truyền thông quảng bá để người học và xã hội hiểu rõ.

Bài, ảnh: Hữu Phúc


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Thống kê
Tổng số người đang online: 96
Tổng số lượt xem trang này: 3.002
Tổng số lượt truy cập: 21.589.799