Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, giảng dạy Việt nam học và tiếng Việt năm 2018” 15-07-2018

Việt Nam học (Vietnamese Studies) đã trở thành lĩnh vực học thuật phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ở nhiều nước trên thế giới, Việt Nam học đã được tổ chức thành những đơn vị đào tạo, nghiên cứu riêng. Việc nghiên cứu, giảng dạy Việt Nam học và tiếng Việt trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang là một nhu cầu quan trọng và cần thiết, vì thế cần có sự phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy việc giảng dạy tiếng Việt và ngành Việt Nam học phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu.

Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, hàng loạt các vấn đề về lí thuyết, phương pháp nghiên cứu về Việt Nam học; về lịch sử, văn hóa, văn học, kinh tế, xã hội Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại, đặc biệt là vấn đề hội nhập thế giới; về giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ: phương pháp giảng dạy, đánh giá năng lực tiếng Việt  đã và đang đặt ra yêu cầu phải có sự đóng góp công sức của những nhà nghiên cứu Việt Nam học và tiếng Việt. Việc nghiên cứu về Việt Nam học và tiếng Việt ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu, đã phát triển theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa chuyên ngành và liên ngành, giữa các nhà khoa học trong nước và trên thế giới thì việc công bố những kết quả nghiên cứu, trao đổi học thuật giữa những nhà nghiên cứu càng quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết.

 


 

Phát biểu khai mạc Hội thảo của TS. Bảo Khâm, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế - Đồng Trưởng ban Tổ chức Hội thảo

 

Với cách nhìn như vậy, nhằm trao đổi những kinh nghiệm trong nghiên cứu, giảng dạy Việt Nam học và tiếng Việt, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế phối hợp với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học: "Nghiên cứu, giảng dạy Việt Nam học và tiếng Việt năm 2018" vào ngày 14 tháng 07 năm 2018, tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế. Việc tổ chức Hội thảo, một mặt, thể hiện nguyện vọng của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế về cơ hội trình bày và trao đổi về những kết quả nghiên cứu với các đồng nghiệp trước các vấn đề liên quan đến việc nghiên cứu, giảng dạy Việt Nam học và tiếng Việt; mặt khác, thảo luận nhiều vấn đề thực tiễn cấp bách đang đặt ra đối Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.

 


 

Phát biểu chào mừng của TS. Lê Hữu Phước,Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TPHCM

 


Toàn cảnh Hội thảo

 

Mục đích của Hội thảo là:

- Tạo cơ hội cho các giảng viên và học viên của 3 trường công bố những kết quả nghiên cứu; giao lưu, trao đổi học thuật với các đồng nghiệp về giảng dạy Việt Nam học và tiếng Việt.

- Nâng cao kiến thức của giảng viên đối với ngành học nói chung, các môn học mình đang giảng dạy nói riêng, nâng cao năng lực giảng dạy qua việc chia sẻ các kỹ năng, phương pháp giảng dạy đặc thù của ngành Việt Nam học.

- Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế phối hợp với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học này cũng là để khẳng định chức năng, nhiệm vụ của Trường là đào tạo, nghiên cứu khoa học về ngôn ngữ và văn hóa. Đây cũng là cơ hội để tập hợp đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy Việt Nam học và tiếng Việt trong cả nước để có tiếng nói chung trong việc đào tạo và liên kết đào tạo Việt Nam học và Tiếng Việt cho người nước ngoài.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 97 báo cáo của các nhà khoa học trong nước và nước ngoài, trong đó có 88 báo cáo được lựa chọn và đưa vào Kỷ yếu Hội thảo.

Nội dung Hội thảo và các báo cáo tập trung vào những vấn đề sau:

1. Việt ngữ học và văn học Việt Nam

Nội dung này sẽ làm rõ một số vấn đề chính sau:

- Những vấn đề về đặc điểm tiếng Việt như báo cáo Phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái trong Tiếng Việt (Phạm Thùy Chi), Ý nghĩa hướng của “lùi” và “lui” (Nguyễn Vân Phổ), Một số nét nghĩa tri nhận của động từ tri giác “thấy” (Nguyễn Hoàng Phương), Một số đặc điểm riêng biệt của hư từ tiếng Việt (Vũ Văn Thi); phương ngữ tiếng Việt Từ địa phương trong “ngôn ngữ teen” của sinh viên Bạc Liêu (Võ Thị Diễm Phương), tiếng Việt hiện đại Về những kết cấu mới theo kiểu thành ngữ, tục ngữ (Trịnh Đức Hiển)...

- Những vấn đề về phương pháp giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ, thể hiện qua các báo cáo Phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, trường hợp Khoa Việt Nam học và tiếng Việt (Nguyễn Thiện Nam), Một số hoạt động chuyển tải văn hóa trong dạy - học tiếng Việt như một ngoại ngữ (Ngô Thị Khai Nguyên), Ứng dụng Task - Based Learning - TBL trong việc dạy hội thoại tiếng Việt cho người nước ngoài (Nguyễn Kim Yến); xây dựng, phân tích, đánh giá giáo trình Tiếng Việt cho người nước ngoài Một số vấn đề xây dựng giáo trình tiếng Việt bậc hoàn thiện (Nguyễn Việt Hương), Khảo sát các yếu tố về phong tục Việt Nam trong giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài (Trần Thị Xuân), Bàn về độ khó trong bài tập tiếng Việt cho người nước ngoài (Trần Trọng Nghĩa) ...

- Những vấn đề về giảng dạy và nghiên cứu văn học Việt Nam như Tổng quan nghiên cứu về Văn học cổ điển Việt Nam ở Nhật Bản (Đoàn Lê Giang), Những đóng góp của tiểu thuyết viết về chiến tranh trong văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới (Trần Thị Mai Nhân)...

2. Việt Nam học - Những vấn đề lí thuyết, nghiên cứu và giảng dạy        

Nội dung này sẽ làm rõ nhứng vấn đề về lý thuyết, nghiên cứu và giảng dạy Việt Nam học như:

- Những vấn đề liên quan đến lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam, thể hiện qua các báo cáo Quan hệ lịch sử - văn hóa khu vực, trường hợp Việt Nam - Indonesia (Đinh Thị Dung), Không gian văn hóa buôn làng Tây Nguyên: một cách nhìn khác (Đặng Hoàng Giang), Con người xứ Huế: thiên hướng tư duy và những trở lực trong việc phát triển (Nguyễn Phước Bảo Đàn)...

- Những vấn đề về hội nhập và phát triển của Việt Nam như Nghiên cứu Khu vực học ở Việt Nam trong xu thế phát triển bền vững (Nguyễn Thị Phương Anh), Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở một số quốc gia Đông Nam Á (liên hệ với Việt Nam) (Nguyễn Thị Vân).

- Những vấn đề liên quan đến công tác đào tạo Việt Nam học và tiếng Việt cho người nước ngoài như Thiết kế chương trình Tiếng Việt theo quy trình ngược (Nguyễn Chí Hòa), Đào tạo và liên kết đào tạo người nước ngoài tại trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế nhìn từ góc độ study tour về văn hóa Huế (Hồ Viết Hoàng)...

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

 


 

TS. Bảo Khâm tặng quà lưu niệm cho đại diện đơn vị đồng tổ chức Hội thảo

 


 

Đoàn chủ tọa phiên toàn thể

 


 

Giảng viên Khoa Việt Nam học, ĐHNN, ĐHH                       


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Thống kê
Tổng số người đang online: 75
Tổng số lượt xem trang này: 9.069
Tổng số lượt truy cập: 23.599.216