Đại học gánh “gánh nặng” ngoại ngữ từ phổ thông 14-10-2019

TTH - Thực trạng trên được ThS. Phan Thanh Tiến, phụ trách ngoại ngữ không chuyên sinh viên Đại học (ĐH) Huế chỉ ra với Thừa Thiên Huế Cuối tuần khi nói về những trăn trở trong đào tạo và đảm bảo chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên (SV).

ThS. Phan Thanh Tiến cho rằng: “Với đầu vào SV như hiện nay, việc đào tạo ngoại ngữ cho các em để đáp ứng yêu cầu giao tiếp, sử dụng ngoại ngữ làm việc sau khi ra trường sẽ khó cạnh tranh với SV hai đầu đất nước”.

ThS. Phan Thanh Tiến, phụ trách ngoại ngữ không chuyên sinh viên Đại học Huế

Qua các đợt khảo sát và kiểm tra, tình hình SV đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ như thế nào, thưa ông?

Đúng ra, ĐH Huế áp dụng chuẩn năng lực ngoại ngữ không chuyên B1 cho SV từ khóa tuyển sinh 2013 (ra trường năm 2017), nhưng sau một vài đợt thi trước đó, nhận thấy số lượng đạt chuẩn B1 không cao nên sau đó đơn vị phụ trách đào tạo ngoại ngữ không chuyên cho SV đề xuất ĐH Huế dời lại 1 năm, tức là khóa tuyển sinh năm 2013 là bậc A2 và khóa tuyển sinh năm 2014 (ra trường năm 2018) là B1.

Khóa đầu tiên áp dụng chuẩn đầu ra B1 chất lượng chưa tốt, do các trường chưa có sự quan tâm đúng mức, đặc biệt là nhận thức của SV chưa tốt nên kết quả không cao. Tuy nhiên, sau khóa đầu tiên thì những khóa sau các trường đã chú trọng quán triệt cho SV chú trọng học ngoại ngữ và SV nghiêm túc hơn.

Hiện nay, tỷ lệ toàn ĐH Huế tốt nghiệp đúng thời hạn (đợt 1) về mặt ngoại ngữ không chuyên là 70 – 75%. Đó là mặt bằng chung của tổng thể ĐH Huế, còn tình hình thực tế các trường có khác nhau. Các trường đạt kết quả tốt hơn là: ĐH Y dược, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Kinh tế, ĐH Sư phạm, Khoa Du lịch – ĐH Huế, trung bình đạt từ 80% trở lên. Dễ thấy, 3 trường Ngoại ngữ, Kinh tế, Du lịch có đầu vào khối D (có môn ngoại ngữ) cao. Hai trường Y dược và Sư phạm thì tinh thần học tập của SV rất nghiêm túc, nhờ đó đạt kết quả cao.

Các trường: Khoa học, Nông lâm đạt kết quả thấp hơn (khoảng 60%). Hai đơn vị đạt tỷ lệ thấp nhất là Trường ĐH Nghệ thuật và Khoa Giáo dục Thể chất (trên dưới 50%), nhưng vì số lượng SV ít nên chưa ảnh hưởng nhiều đến số lượng chung của ĐH Huế.

Trên thực tế, nhà tuyển dụng vẫn than phiền kỹ năng ngoại ngữ của SV, liệu chuẩn đầu ra trên có đánh giá sát năng lực SV, thưa ông?

Khi áp dụng đề án dạy ngoại ngữ không chuyên của SV theo cấp độ này thì trình độ ngoại ngữ của SV tăng lên nhiều so với trước đây. Song, để đáp ứng được nhu cầu thực tế, không chỉ riêng Huế mà kỹ năng ngoại ngữ của SV miền Trung, kể cả Đà Nẵng vẫn còn yếu hơn TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội.

SV hai đầu đất nước có nhiều động cơ thúc đẩy. Điều quan trọng là, nhiều ngành đào tạo ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh rất cần ngoại ngữ để làm việc, còn ở Huế, số ngành cần ngoại ngữ sau trường còn ít (tức là không bắt buộc sử dụng ngoại ngữ). Đây là điều tác động, khó bắt SV học ngoại ngữ.

Trên toàn quốc, để nói áp dụng B1 đã chuẩn chưa thì cũng chưa có đơn vị nào dám đảm bảo mà đang từng bước để tiệm cận, hướng đến lâu dài. Rõ nhất là thời lượng dành cho học ngoại ngữ ở bậc ĐH quá ít, chỉ có 7 tín chỉ, trong khi phải đào tạo lại từ những kiến thức cơ bản cho các em. 7 tín chỉ để học 1 bậc (từ A2 lên B1) có thể làm được, nhưng đối với SV gần như không biết gì về ngoại ngữ thì quá khó.

Có nhiều SV đạt điểm để vượt qua B1, nhưng thí sinh đạt điểm cao chưa nhiều, họ chỉ đạt mức tối thiểu hoặc trên tối thiểu, nhất là đối với hai kỹ năng nghe - nói. Thang điểm B1 hiện tại Trường ĐH Ngoại ngữ áp dụng cho SV là tổng 4 kỹ năng phải đạt ít nhất 50/100 điểm và không bị điểm liệt của từng kỹ năng (1/3 điểm theo quy định của từng kỹ năng). Chẳng hạn, nghe – nói mỗi kỹ năng 20 điểm thì phải đạt từ 7 điểm trở lên của từng kỹ năng. Tương tự, đọc – viết thang điểm mỗi kỹ năng là 30 thì phải đạt từ 10 điểm trở lên.

Một lớp học ngoại ngữ không chuyên của sinh viên ĐH Huế

Điều đó đồng nghĩa với bậc ĐH gặp khó do phải đào tạo lại kỹ năng ngoại ngữ từ bậc phổ thông?

Có thể nói, bậc ĐH gánh “gánh nặng” ngoại ngữ từ bậc phổ thông. Theo nguyên tắc, học sinh học xong phổ thông phải đạt trình độ A2. Tuy nhiên qua các đợt khảo sát đầu vào, rất nhiều SV chỉ đạt A0 (nghĩa là phải đào tạo lại từ đầu). Trong các kỳ thi THPT Quốc gia, ngoại ngữ là môn mà thí sinh đạt điểm khá thấp, trong khi đề thi mới chỉ chú trọng đánh giá hai kỹ năng đọc - viết. Kỹ năng nghe - nói còn yếu hơn.

Điều này phản ánh giai đoạn học phổ thông thiếu tập trung dạy và học nghe – nói. Còn bậc ĐH, 7 tín chỉ quá khó để có thể cải thiện được cả 4 kỹ năng, nhất là với thí sinh chỉ đạt trình độ A0.

Nhiều người cho rằng, vấn đề trên là do học sinh, SV miền Trung không có năng khiếu, đam mê học ngoại ngữ, ông có nghĩ thế không?

Theo tôi, nguyên nhân chính cho vấn đề này là SV chưa có động lực và nhận thức tốt về vấn đề học ngoại ngữ. Điển hình, trước đây có nhiều người nói SV nông lâm học ngoại ngữ yếu. Nhưng những năm gần đây Trường ĐH Nông lâm có các chương trình thực tập làm việc ở Nhật Bản, SV học tiếng Nhật rất tốt, yêu cầu trình độ N4 nhưng chỉ thời gian ngắn là các em học được, chứng tỏ không phải các em SV nông lâm yếu mà do thiếu động lực, động cơ nên chưa chịu học.

Để nhà trường tạo động lực cho người học cũng khó, bởi động lực phải thật, tức là học xong phải sử dụng ngoại ngữ để trực tiếp làm việc, có thu nhập cao. Chứ nhà trường chỉ nhắc nhở, động viên học ngoại ngữ nhưng chỉ để xét tốt nghiệp thì các em cũng chỉ học để đối phó.

Điều đó có thể dẫn đến trường hợp SV “lòn, lách” để vượt qua B1?

Đối với ngoại ngữ gần như không thể có tình trạng “lòn, lách”, bởi các em phải thi trên máy tính, được giám sát kỹ. Trước đây, có thực trạng công nhận tín chỉ của các trường khác, những trường nào được đánh giá “dễ” thì SV học nên giai đoạn đó khó có thể nói là không xảy ra chuyện SV tìm mọi cách để vượt qua, nhưng những năm gần đây quy định nghiêm ngặt, rất khó.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn rất trăn trở với trình độ, năng lực ngoại ngữ thực tế của các em hiện nay, rất khó để áp dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả.

Theo ông, thời gian tới, cần giải pháp nào để nâng chất lượng việc học ngoại ngữ của SV?

Ở bậc ĐH, chúng tôi chú trọng dạy kỹ năng nghe và nói, nhưng hai kỹ năng này mất rất nhiều thời gian. Đôi khi trình độ SV quá yếu, ngữ pháp căn bản cũng không nắm được, rất khó cho giảng viên. Năm 2017, nhà trường có hệ thống hỗ trợ trên phần mềm tự học có hỗ trợ học kỹ năng nghe và nói khá tốt, nhưng SV có vào dùng hay không cũng là vấn đề. Chính SV phải nhận thức được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ mới cải thiện được tình hình.

Quan trọng hơn, cần tăng thời lượng chương trình học ngoại ngữ tại ĐH. Đồng thời, phải xác định chuẩn để học sinh tốt nghiệp phổ thông buộc phải đạt, chứ không để bậc ĐH phải đào tạo lại. Bên cạnh đó, các đơn vị đào tạo cần làm tốt công tác truyền thông tốt để người học nhận thức được vai trò của ngoại ngữ đối với việc làm và đời sống sau này thì tình hình sẽ được cải thiện.

Xin cảm ơn ông!

HỮU PHÚC (thực hiện)


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Thống kê
Tổng số người đang online: 7
Tổng số lượt xem trang này: 2.450
Tổng số lượt truy cập: 22.126.853